MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH GẮN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở TỈNH SƠN LA

Sơn La là tỉnh có tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú với nhiều cảnh quan núi non trùng điệp hùng vĩ, nhiều dân tộc cùng sinh sống gắn liền với nền văn hóa đa dạng, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Sơn La đặc biệt nổi tiếng khi có cao nguyên Mộc Châu, nằm trên trục quốc lộ 6 và 43, nơi đây khí hậu quanh năm mát mẻ, ôn hòa rất thuận lợi cho du khách khám phá, nghĩ dưỡng, với quang cảnh mùa nào cũng đẹp một cách lạ thường, ẩn hiện sau màn sương giăng khắp chốn là những cánh đồng chè và rừng mận, đào, điểm xuyết những vạt dã quỳ vàng rực rõ, những mảng màu trắng, màu vàng tinh khôi của những vường cải....Sơn La không chỉ nổi tiếng với những cảnh quan mà còn nổi tiếng với những lễ hội như: lễ hội tết Độc lập của đồng bào dân tộc Mông, lễ hội Hoa ban, lễ hội gội đầu, trọi trâu...

          Tỉnh Sơn La đã tận dụng cơ hội mà thiên nhiên ban tặng để tạo động lực phát triển kinh tế từ du lịch, ngày 29/12/2014 UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 3586/QĐ-UBND  về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030”. Quyết định này của UBND tỉnh Sơn La đã đề cập đến những hướng chính chú trọng phát triển du lịch đó là: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với vui chơi, giải trí; khai thác nhiệu tiềm năng du lịch văn hóa, tâm linh; mở rộng các lĩnh vực du lịch dịch vụ phục vụ hội thảo, kết hợp tham quan, học tập nhằm tạo ra những sản phẩm  có thương hiệu, mang nét đặc trưng riêng dựa trên một định hướng chiến lược là phát triển bền vững.

          Ngày 25/1/2019, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định 128/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030. Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch chung xây dựng trung tâm du lịch trong điểm gồm 3 khu: Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu; trung tâm vui chơi giải trí Mộc châu, quy mô khoảng 1500 ha.

          Trong những năm qua, phát triển du lịch đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La. Theo báo cáo của Sở Văn hóa thể thao và du lịch[1], tính đến ngày 11 tháng 12 năm 2018, tổng doanh thu du lịch ước đạt 1,300 tỷ đồng, tăng 133 tỷ đổng so với năm 2017. Việc phát triển du lịch có những tác động tích cực đến vấn đề môi trường trên địa bàn như góp phần bảo tồn, sử dụng hợp lý, hiệu quả các điện tích tự nhiên quan trọng như: khu du lịch quốc gia Mộc Châu, lòng hồ thủy điện Mường La - Sơn la, rừng Thông Bản Áng, thác Dải Yếm...), giúp bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh. Phát triển du lịch cũng góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, đề cao các giá trị của môi trường. Hơn nữa, việc trao đổi và học tập với du khách có ý thức bảo vệ môi trường cũng góp phần nâng cao hiểu biết của người dân địa phương về cách thức bảo vệ môi trường.

          Bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh cũng có những áp lực nhất định đến môi trường.

          Thứ nhất, rác và chất thải của khách du lịch, những hoạt động dịch vụ nhằm phục vụ khác du lịch như: mua - bán hàng hóa, hệ thống các nhà hàng, các khu lưu trú, chợ tạm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng môi trường. Bên cạnh đó, nhiều khu du lịch lớn trên địa bàn tỉnh đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng gây khó khăn cho công tác bảo vệ môi trường. Theo thống kê của Sở Xây dựng[2], năm 2017 tổng lượng chất thải rắn phát sinh toàn tỉnh là  khoảng 78.844 tấn/ngày đêm, trong đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh vào khoảng 647 tấn. Lượng chất thải rắn sinh hoạt tại khu du lịch lớn ở Mộc Châu là 13.877 tấn/ năm; ở khu du lịch lòng hồ thủy điện Mường La là 4.547 tấn/năm. Trong khi đó, công tác quản lý, thu gom, xử lý rác thải còn hạn chế. Hiện nay, các khu du lịch trên địa bàn tỉnh đều chưa có hệ thống xử lý rác thải đảm bảo môi trường, lượng rác thải ở các khu du lịch xả ra rất lớn gây ô nhiễm môi trường cục bộ cho các khu du lịch và các vùng xung quanh. Ngoài ra nước thải tại các khu du lịch, điểm lưu trú, ăn uống gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nước và hoạt động nuôi trồng thủy sản. Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Sơn La, các khu xử lý chất thải chủ yếu là các khu chôn lấp đã xây dựng từ rất lâu, lớn nhất là khu xử lý chôn lấp chất thải của huyện Thuận Châu với diện tích 1000m2. Nhiều khu xử lý chất thải đã xây dựng từ rất lâu như khu xử lý chôn lấp rác thải ở Mộc Châu được xây dựng từ năm 1997, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn.

          Thứ hai, phát triển du lịch gây ra nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học của tỉnh. Việc hình thành và phát triển các khu du lịch ở một số vùng rừng có nguy cơ làm mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều loài sinh vật. Với sự định hướng phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghĩ dưỡng, du lịch leo núi và du lịch tâm linh sẽ gây ra những tác động không tốt đến nơi cư trú của các loài sinh vật, đặc biệt là các loài động vật. Bên cạnh đó, số lượng các cá thể trong một số loài hay số lượng các loài động vật, thực vật trong khu vực có thể bị suy giảm do các hoạt động săn bắn, khai thác phục vụ nhu cầu của khách du lịch làm tăng nguy cơ đe dọa đa dạng sinh học của tỉnh. Thực tế có một lượng lớn du khách đến thăm quan những điểm du lịch sinh thái thường muốn sở hữu tiêu bản của động vật rừng quý hiếm làm kỷ niệm, thưởng thức những món đặc sản quý hiếm của địa phương. Kết quả điều tra[3] đa dạng sinh học cho thấy “Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha - Mộc Châu” có độ đa dạng sinh học cao và rất phong phú. Tại đây đã thống kê được 1.010 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 452 chi của 142 họ trong 5 ngành thực vật, trong đó có 44 loài thực vật quý hiếm. Về động vật có 370 loài động vật thuộc 4 lớp (Thú 81 loài, chim 223 loài chim, bò sát 41 loài, ếch nhái 25 loài). Tuy nhiên quá trình phát triển du lịch cũng làm giảm độ đang dạng sinh học, theo nghiên cứu cho thấy, một số loài thực vật bậc cao đang có nguy cơ biến mất. Vì nhu cầu cuộc sống và lợi nhuận cao nên các hiện tượng đốt rừng làm rẫy, săn bắn, đặt bẫy săn bắt động vật, khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ trái phép vẫn diễn ra. Đặc biệt nhiều khách du lịch có nhu cầu mua các loài động vật quý hiếm, khiến cho tình trạng săn bắn trái phép diễn ra một cách thường xuyên khiến cho số lượng các cá thể quý hiếm cần được bảo vệ có nguy cơ tuyệt chủng cao. Hiện nay, đối tượng bị săn bắt nhiều nhất là chim, phương thức săn bắt chủ yếu là bẫy. Ngoài ra, các loài thú nhỏ như Chuột, Dúi, Cầy, Chồn, Sóc cũng thường bị mắc bẫy. Một số loài bò sát như rắn ráo, hổ mang, cạp nong, cạp nia hoặc ếch nhái cũng bị săn bắt.

          Thứ ba, nguy cơ ô nhiễm tài nguyên đất và nước. Theo số liệu của sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, tổng số lượt khách tham quan du lịch năm 2018 của tỉnh đạt 1.950.000  tăng 95.7% so với kế hoạch. Lượng khách lớn và tăng đều qua các năm đồng nghĩa với nguy cơ gia tăng đều qua các năm đồng nghĩa với ngua cơ gia tăng lượng lớn rác thải, nước thải trong các khu du lịch, gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm và môi trường đất trong khu du lịch và các vùng lân cận.

Hơn nữa, việc phát triển du lịch cũng gây nguy cơ ô nhiễm phong cảnh, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí. Nhiều điểm du lịch chưa đưa vào khai thác đã bị phá vỡ cảnh quan.

          Tình trạng dựng quá bán hàng trái phép, lấn chiếm đất của một số cá nhân, hộ gia đình, tổ chức còn tồn tại gây mất mỹ quan, ảnh hưởng xấu đến môi trường khu du lịch.

          Để tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch, tôi xin đưa ra một số giải pháp sau:

           Một là: Cơ quan chức năng và cơ dân nơi có khu du lịch cùng phải tham gia bảo vệ môi trường nơi có hoạt động du lịch được diễn ra, tăng cường giám sát công tác bảo vệ môi trường, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Cần thực hiện chuyển hướng xây dựng,  cung ứng sản phẩm du lịch mới khu sinh thái thân thiện môi trường, hỗ trợ đắc lực cho những dự án bảo vệ môi trường rừng.

          Hai là, hỗ trợ  cuộc sống, sản xuất kinh doanh của cư dân bản địa nhằm nhanh chóng ổn định đời sống của người dân, tránh để người dân săn bắn các đặc sản là muôn thú của rừng để bán cho khách du lịch, hướng dẫn người dân tham gia các tour du lịch “homestay” thân thiện với môi trường.

          Thứ ba, đẩy mạnh công tác truyền thông, định hướng, nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng phong trào ứng xử văn minh, thân thiện với du khách, giữ gìn trật tự trị an, vệ sinh môi trường...

          Thứ tư, xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường trên cơ sở đổi mới tư duy, cách làm, hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường trong kinh doanh du lịch và trong đời sống xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý quyết liệt, giải quyết dứt điểm các vụ việc về môi

trường, các vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Cần tạo bước chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức sang hành động cụ thể. Lấy chỉ số đầu tư cho môi trường, hoạt động bảo vệ môi trường, kết quả bảo vệ môi trường cụ thể để đánh giá.

                                                                                                                            Ths. Đỗ Thị Hải

                                                                            Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Sơn La

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập