SƠN LA – LỢI THẾ VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN CẦN GIẢI QUYẾT TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Nằm ở phía Tây bắc của Tổ quốc, Sơn La có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và quan hệ giao thương với nước bạn Lào. Bởi vậy trong những năm qua, Sơn La luôn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân cả nước.

Thực tế, trong những năm qua, bằng việc phát huy lợi thế so sánh những điều kiện sẵn có như được thiên nhiên ban tặng những tiềm năng, thế mạnh, kết hợp với sự đồng lòng, quyết tâm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La đã và đang nỗ lực làm bật dậy những lợi thế tạo nên bước đột phá, đưa tỉnh nhà từ một tỉnh miền núi khó khăn trở thành một tỉnh năng động, có mức tăng trưởng khá, nhất là từ năm 2016 trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2016 tăng 8,03% so với năm 2015, năm 2017 tăng 9,59% so với năm 2016, ước năm 2018 tăng 8,59% so với năm 2017, bình quân 3 năm 2016-2018, tăng 8,62%/năm. Trong đó: Khu vực dịch vụ tăng từ 38,9% năm 2015 lên 39,1% năm 2018; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm dần chiếm 23,2%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 33,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,9% trong cơ cấu kinh tế; bên cạnh đó địa phương thực hiện đồng bộ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế; ưu tiên phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, tích cực chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, quản lý,…để tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, cải thiện đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân các dân tộc, nhất là đồng bào ở vùng biên giới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia; Phấn đấu xây dựng và phát triển một nền nông – lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, chuyên canh với nhiều vùng nguyên liệu, chè đặc sản chất lượng cao, vành đai lương thực, thực phẩm, các trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, nhất là chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, nhất là chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao. Thành công lớn nhất của tỉnh nhà trong những năm trở lại đây, đó là thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, cải tạo vườn tạp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chương trình phát triển cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, phát triển cây công nghiệp thủy năng và chương trình di dân, tái định cư thủy điện Sơn La; tiếp tục hoàn thiện kết câu hạ tầng xã hội và kỹ thuật, hoàn thành công tác di dân tái định cư thủy điện Sơn La và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới),….Phát huy thành tựu hơn 30 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La luôn nêu cao truyền thống đoàn kết, năng động và sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa. Với niềm tin đó, Sơn La đang tích cực nỗ lực trên các mặt công tác: Chính trị - Kinh tế - Văn hóa – Xã hội – An ninh – Quốc phòng, chủ động tranh thủ sự ủng hộ của các bộ ngành Trung ương, Chính phủ và Nhà nước. Phấn đấu giảm nghèo nhanh và phát triển bền vững, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; từng bước tạo nên bức tranh kinh tế - xã hội đầy khởi sắc cho Sơn La trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, đằng sau những thành tích đã đạt được đó thì nhìn nhận thẳng thắn rằng bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế, tình trạng đói nghèo, tái nghèo vẫn còn diễn ra, di cư tư do, giao thông chưa được nâng cấp đầy đủ, an sinh xã hội còn nhiều bỏ ngỏ chưa thực sự đến với đời sống của các bản xa xôi, hẻo lánh; đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn cùn với đó là những diễn biến phức tạp của tình trạng thời tiết khắc nghiệt; các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm về buôn bán ma túy ngày càng gia tăng với những biểu hiện tinh vi hơn;….đòi hỏi các cấp Chính quyền địa phương trong tỉnh phải đưa ra những biện pháp, kế hoạch, chương trình lâu dài, vừa mang tính vĩ mô, vừa mang tính cụ thể để từng bước giải quyết những vướng mắc khó khăn này. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2015 – 2020, Sơn La đã đề ra những định hướng, biện pháp thiết thực nhằm có thể thực hiện trên thực tế để đưa tỉnh nhà từng bước phát triển đi lên. Tuy nhiên, thiết nghĩ rằng để những mục tiêu kinh tế - xã hội đó được tiến hành và tổ chức thực hiện được thì trong thời gian tới và nhiều năm tiếp theo Sơn La cần quan tâm, chú ý ở nhiều mặt, trong đó tập trung vào một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục có sự đầu tư đồng bộ về phát triển mạng lưới giao thông

Do có sự khác xa rất nhiều so với vùng thành thị, tỉnh thành ở miền xuôi về địa hình, hoạt động đi lại ở không chỉ riêng ở Sơn La mà đa số ở các tỉnh miền núi phía Bắc thường rất khó khăn bởi đa số là địa hình núi cao, bị chia cắt, nhiều thung lũng sâu và hẹp, điều đó gây cản trở rất lớn tới hoạt động kinh tế, giao thương buôn bán giữa các địa phương trong vùng, làm hạn chế phần nào tốc độ phát triển của địa phương. Trên thực tế, chủ trương của Đảng bộ và chính quyền là khơi dậy tiềm năng du lịch văn hóa, bảo tồn các phong tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, khai thác điểm du lịch sinh thái, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên như: khoáng sản, rừng, nguồn nước,.... rồi đến việc triển khai các chương trình liên quan đến các vấn đề an sinh xã hội (văn hóa, giáo dục, y tế,....),....vì thế mà trục giao thông chính, tuyến huyện, liên thôn, liên xã, bản lại càng cần được quan tâm, đầu tư đúng mức hơn. Với tính chất quan trọng của Quốc lộ 6 trong mạng lưới đường quốc gia và khu vực Tây Bắc, vào cuối năm 2016 Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La động thổ tuyến Quốc lộ 6 (đoạn km193+000-km303+000) với tổng giá trị đầu tư gần 540 tỷ đồng trên địa phận tỉnh Sơn La thuộc dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) sử dụng vốn vay Ngân hàng thế giới; đây được coi là hạng mục đầu tư quan trọng không chỉ mang tầm chiến lược mà còn là đầu mối quan trọng giúp Sơn La tạo đà phát triển kinh tế, vừa là đầu mối trung chuyển giữa các tỉnh Lai Châu, Điện Biên với Hòa Bình, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác. Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giao thông tuyến huyện tuyến xã cũng cần tiếp tục được hoàn thiện để từng bước cải thiện hình ảnh và sự giao thương tại địa phương.

Thứ hai, đẩy mạnh các chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn

Đảng và Nhà nước ta xem xóa đói giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thực hiện xóa đói giảm nghèo của địa phương phải trên tinh thần phát huy nội lực, không trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước quan tâm tập trung cho các vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Xóa đói giảm nghèo phải trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, tiến hành đồng bộ và có sự lồng ghép với các chương trình kinh tế – xã hội khác. Xác định xóa đói giảm nghèo là yếu tố cơ bản đảm bảo công bằng xã hội và tăng trưởng bền vững của tỉnh nhà, ngược lại có tăng trưởng cao, bền vững mới có sức mạnh vật chất hỗ trợ và tạo cơ hội cho người nghèo vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Từ đó, đòi hỏi các cấp, các ngành của địa phương cần tìm hiểu thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề mang tính phức tạp, lâu dài,....có như vậy, chúng ta hy vọng, trong nhiều năm nữa, đói nghèo trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng và nhiều tỉnh thành khác nói chung sẽ giảm mức thấp nhất, thậm chí nhiều vùng sẽ thoát nghèo, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao hơn.

Thứ ba, phát huy thế mạnh vốn có của từng vùng

Mỗi vùng, miền đều có điều kiện lợi thế khác nhau. Sơn La cũng vậy, tỉnh có nhiều điều kiện đặc thù để khơi dậy tiềm năng phát triển như: trồn cây ăn quả trên đất dốc tại huyện Mai Sơn, Yên Châu, phát triển cây công nghiệp (cao su, cà phê,…), chăn nuôi thủy sản tại lòng hồ tại Mường La, Quỳnh Nhai, phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt tại huyện Mộc Châu…; bên cạnh đó với địa hình dốc và thoải như vậy rất có nhiều tiềm năng phát triển thủy điện, trong những năm vừa qua Nhà nước đã cho xây dựng các thủy điện với công suất vừa và nhỏ, đóng góp tích cực vào tổng sản lượng lượng điện cả nước...Tuy vậy, cũng cần xét đến tính bền vững của các công trình này trong tương lai; hoặc dựa vào lợi thế của các loại đất mà có thể trông các loại cây công nghiệp có hiệu quả cao và việc phát triển như vậy cũng cần có kế hoạch, biện pháp rõ ràng mới có thể đem lại lợi ích kinh tế cho người dân, doanh nghiệp. Một vấn đề nữa hiện nay cần tiếp tục được khai thác để phát triển, đó là tiềm năng văn hóa của mỗi dân tộc sinh sống nơi đây. Mỗi một dân tộc đều có nét truyền thống văn hóa tốt đẹp riêng, nếu biết tận dụng chúng trong việc phát triển du lịch thì sẽ là một điều kiện rất lớn giúp đồng bào cải thiện cuộc sống, đem lại một nguồn thu cho chính bản thân mình, qua đó còn góp phần quảng bá nét đẹp của dân tộc mình với du khách.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, giúp đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống

Đa số các dân tộc thường sinh sống cư trú tại những địa hình không thuận tiện có khi là hiểm trở, trên núi cao, sống thành những bản nhỏ, phân bố rải rác ảnh hưởng từ lối du canh du cư, không ổn định vì thế rất khó khăn trong công tác quản lý. Điều đầu tiên đóng vai trò quan trọng là sự tuyên truyền ,phổ biến của chính quyền tại các địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đòi hỏi vừa có kiến thức chuyên môn lại vừa am hiểu những thói quan, tập tục văn hóa của đồng bào dân tộc sinh sống tại địa phương đó. Để từ đó có những cách thức tiếp cận phù hợp bởi đồng bào các dân tộc thường là những đối tượng có sự nhạy cảm nếu không có sự khéo léo đôi khi dẫn đến những hậu quả hết sức khôn lường. Công tác vận động người dân ổn định nơi ở vô cùng quan trọng vì đó mới là cơ sở nền tảng quan trọng để thực hiện các công việc khác của Nhà nước. Người dân có định cư ổn định thì mới có điều kiện phát triển về mọi mặt, trọng tâm là phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cũng như thông qua đó mọi chính sách, kế hoạch của Đảng và Nhà nước mới về gần đồng bào được.

Việc ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi, vùng biên giới, vùng tái định cư di dân thủy điện Sơn La sẽ là công việc căn bản để đầu tư phát triển về các mặt khác của đời sống. Thực tế ngoài những thành tựu đã đat được thì cũng nhìn nhận thẳng thắn rằng ở nhiều nơi, nhiều huyện công tác này vẫn chưa thực sự được sát sao, vậy nên vẫn dẫn đến một số dân tộc vẫn sống cách xa trung tâm, thêm vào đó việc quy hoạch dân cư, sắp xếp sản xuất,...cho từng khu vực vẫn chưa thật sự thích đáng....do vậy trong thời gian tới công tác quản lý nhà nước về vấn đề này cần được tiếp tục đẩy mạnh, từng bước khắc phục khó khăn, giải quyết những vướng mắc, giúp đồng bào dân tộc sớm ổn đinh cuộc sống, có chiến lược phát triển vùng miền núi rò ràng, đáp ứng được tình hình mới.

Đó là những vấn đề cấp thiết trong công các đối với vùng dân tộc và miền núi tỉnh Sơn La cần tập trung giải quyết trong thời gian tới. Đồng thời, trong quá trình đó cần thực hiện lồng ghép các chương trình vấn đề liên quan như: đảm bảo an ninh trật tự, chống buôn lậu qua vùng biên giới, bảo vệ môi trường vùng núi và vùng dân tộc thiểu số, thực hiện chuyển giao công nghệ, phát triển thêm các nghành thương mại và dịch vụ, tiếp tục triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới... thực hiện như vậy sẽ đảm bảo hơn trong việc nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý từ phía Nhà nước, cải thiện từng bước cuộc sống cho đồng bào các dân tộc, tạo cơ hội cho những người nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo, tận dụng khai thác những tiềm năng vốn có của từng vùng, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển của địa phương, đất nước trong thời kỳ mới, từng bước hội nhập và phát triển, tăng cường tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, cùng hướng đến mục tiêu xây dựng, phát triển tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, tiên tiến, hiện đại nhưng thấm nhuần, đậm đà bản sắc dân tộc. 

                                                                                                   Chẩu Đình Dương (
Trường Chính trị tỉnh Sơn La)

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập