Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi trong hệ thống di tích lịch sử của Sơn La
Ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), một địa danh lịch sử, một mốc son chói lọi khắc ghi một thời kỳ chiến đấu oanh liệt của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam trong cuộc kháng chiến thần thánh chín năm chống thực dân Pháp.
  • Đài tưởng niệm liệt sỹ thanh niên xung phong tại ngã ba Cò Nòi

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ Ngã ba Cò Nòi là điểm nút giao thông quan trọng nhất để các mũi tiến quân của quân và dân ta tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Địa điểm này đã trở thành "Điểm đỏ" để Thực Dân Pháp bắn phá ác liệt nhất, nhằm chặn đứng và phá tan huyết mạch giao thông của quân và dân ta. Hàng ngày tại đây chúng đã ném khoảng 69 tấn bom/ ngày để cày xới phá huỷ, những dưới làn mưa bom của địch, các lực lượng vũ trang, Thanh niên xung phong trong cả nước đã dũng cảm bám trụ, ngày đêm vẫn đảm bảo thông đường mạch máu giao thông vẫn chảy đều trên tuyến lửa. Trong quá trình phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ tại Ngã ba Cò Nòi 100 chiến sỹ và Thanh niên xung phong đã hy sinh.

Sau khi bị thất bại trên chiến trường Tây Bắc và Thượng Lào trong chiến dịch Tây Bắc vào cuối năm 1953 nhằm toan tính và chuẩn bị những điều kiện quân sự chính trị để thực hiện kế hoạch mới. Chúng tăng cường lực lượng cho đồng bằng Bắc Bộ và tập trung mọi lực lượng để xây dựng tập đoàn cố thủ ở Điện Biên Phủ. Trước tình hình đó Đảng ta đã quyết định chọn Tây Bắc làm hướng chính của chiến trường.

Tháng 12 năm 1952 Trung ương Đảng và Chủ Tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, mở rộng và củng cố vùng giải phóng chuẩn bị cho chiến dịch, hàng vạn bộ đội, dân công, thanh niên xung ở khắp các địa phương được huy động lên chiến trường Tây Bắc. Trong chiến dịch lịch sử này, Sơn La đóng một vai trò hết sức quan trọng vừa là hậu phương lớn gần chiến trường vừa là cửa ngõ để tiến vào Tây Bắc. Sơn La án ngữ các tuyến đường huyết mạch giao thông nối đồng bằng Bắc Bộ, chiến khu Việt Bắc; Liên khu III, IV với chiến trường Điện Biên Phủ. Trong đó ngã ba Cò Nòi là nút giao thông quan trọng bậc nhất, được ví như "yết hầu" trên tuyến lửa. Ngã ba này là nơi giao nhau giữa hai tuyến quốc lộ là 13A (quốc lộ 37 hiện nay) và đường 41 (quốc lộ 6 hiện nay), thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Địa hình nơi đây hiểm trở, được bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp tạo thành một thung lũng hẹp và sâu có chiều dài hơn 2 km. Tất cả mọi hoạt động chi viện vũ khí, lương thực, thực phẩm của quân và dân ta từ hậu phương Việt Bắc và liên khu III, IV tiến lên chiến trường Điện Biên Phủ đều phải đi qua cửa ải này. Trong hồi ký của mình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: "Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải, tất cả những người ra trận đều phải vượt qua". Với vị trí chiến lược quan trọng đó, ngã ba Cò Nòi đã trở thành "túi bom", một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của không quân Pháp trên địa bàn Sơn La. Chúng cho rằng việc ngăn chặn và cắt dứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt của hậu phương Miền Bắc cho chiến trường Điện Biên Phủ là vấn đề sống còn của quân đội viễn chinh Pháp tại Việt Nam.

Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam ra đời tháng 7/1950, bao gồm hàng vạn thanh niên tiêu biểu được tuyển chọn ở các địa phương trong cả nước. Lực lượng này có nhiệm vụ sửa chữa cầu đường, làm đường mới, đảm bảo giao thông liên lạc, vận chuyển vũ khí, nhu yếu phẩm cho các mặt trận, xây dựng các điểm kho tàng, lán trại trú quân cho bộ đội, phá bom mìn, thu chiến lợi phẩm… Lúc mới thành lập, lực lượng thanh niên xung phong chỉ hơn 200 cán bộ đội viên, chỉ sau 3 năm lực lượng TNXP đã tăng lên hơn 1 vạn người, được biên chế vào 50 đại đội với các phiên hiệu Đội 34, 36, 38, 40, 42… hoạt động trên địa bàn rộng lớn bao gồm các tỉnh trong Liên khu Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu III, IV…

Với tinh thần cả nước phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, khẩu hiệu xuyên suốt chiến dịch của quân và dân ta là: "Tất cả cho tiền tuyến" "Tất cả để chiến thắng". Nhân dân các tỉnh lần lượt tiễn con em hăng hái lên đường tham gia quân ngũ, đi thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến. Cuộc chiến đấu trên mặt trận tiếp tế, vận tải, tháo dỡ bom mìn đảm bảo giao thông, liên lạc diễn ra khẩn trương, quyết liệt ngay từ ngày mở màn đến lúc kết thúc chiến dịch. Tháng 1/1954, Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương đã bổ sung thêm lực lượng cho 2 Đội 34 và 40, đưa tổng số quân lên đến gần 8.000 đội viên phiên chế trong 40 đại đội do đồng chí Trần Dân làm Đội trưởng. Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Đội 34, 40 được giao nhiệm vụ chính là đảm bảo giao giữ vững mạch máu giao thông trên con đường dài hơn 200km từ Mộc Châu theo quốc lộ 6 đi Tuần Giáo (Điện Biên), từ Yên Bái theo quốc lộ 13A sang Sơn La (tại ngã ba Cò Nòi). Trong đó tập trung các điểm xung yếu như đèo Pha Đin, đèo Chẹn, đèo Chiềng Đông, đèo Sơn La, cầu Tà Vài, đặc biệt là tại ngã ba Cò Nòi - quãng đường xung yếu quan trọng nhất trong toàn tuyến lửa ra mặt trận. Trực tiếp làm nhiệm vụ tại ngã ba trọng điểm này là các đại đội 293 (Đội 34); 300, 301, 303 và 403 của Đội 40.

Từ sau đợt tiến công thứ nhất của quân ta vào Điện Biên Phủ cho đến lúc kết thúc chiến dịch, địch huy động mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất lúc bấy giờ liên tục ném bom, nhằm chặt đứt con đường tiếp tế của ta đoạn từ ngã ba Cò Nòi lên chiến trường Điện Biên Phủ. Lúc đầu là loạt bom phá, bom nổ chậm, tiếp đến là bom bướm, bom na pan với mức độ ác liệt ngày càng gia tăng, trung bình cứ 13 phút địch lại ném bom bắn phá một lần. Có ngày chúng ném xuống đây 300 quả bom phá, bom nổ chậm, bom Na Pan, bom bướm, với trọng lượng 69 tấn thuốc nổ nhằm phá huỷ kho tàng, vũ khí, lương thực, lán trại trú quân và sát hại bộ đội, dân công, lực lượng thanh niên xung phong của ta làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu tại ngã ba trọng điểm này. Tuy vậy, dưới mưa bom, lửa đạn, lực lượng thanh niên xung phong ở ngã ba Cò Nòi vẫn hiên ngang trực diện với kẻ thù, dũng cảm làm nhiệm vụ phá bom nổ chậm, thông đường, vận chuyển lương thực, vũ khí ra mặt trận, đảm bảo mạch máu giao thông vẫn chảy đều trên tuyến lửa. Quá trình tham gia phục vụ chiến dịch đã có hơn 100 thanh niên xung phong Đội 34, 40 và nhiều người dân địa phương hy sinh anh dũng tại ngã ba chiến lược này. Chiến công thầm lặng của lực lượng thanh niên xung phong tại Ngã ba Cò Nòi đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, góp phần tô thắm thêm trang sử vàng oanh liệt của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam. Ngày 8/5/1954 Bác Hồ gửi thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc. Trong thư có đoạn viết "Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen các cán bộ, chiến sỹ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang…"

Để đời đời tri ân công ơn các liệt sỹ thanh niên xung phong đã chiến đấu, hi sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc tại ngã ba Cò Nòi. Ngày 21/4/2000 Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La đã khởi công xây dựng nhóm đài tưởng niệm liệt sỹ thanh niên xung phong tại ví trí "tọa độ lửa" năm xưa với diện tích 20.000m2. Công trình được khánh thành ngày 7/5/2002, nhóm tượng gồm 3 thanh niên xung phong ở các tư thế khác nhau được tạo từ chất liệu đá granit. Tượng cao 12 mét, được đặt trên bệ một khối đá nặng 280 tấn. Cùng với nhóm tượng đài, còn có hai bức phù điêu thể hiện hình ảnh toàn dân ra trận chiến đấu chống thực dân Pháp. Mỗi bức phù điêu có diện tích 42m2, nặng 52 tấn, được phủ bằng kim loại, tái hiện hình ảnh quân và dân ta hăng hái chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ, thể hiện ý chí quật cường của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2004) di tích được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Từ đó đến nay, di tích Ngã ba Cò Nòi đã trở thành một điểm đến quen thuộc của nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch hướng về cội nguồn "Qua miền Tây Bắc". Vào dịp kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước, của tỉnh hàng năm, di tích đón tiếp hàng nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan học tập và nghiên cứu. Phát huy truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây", du khách thập phương hành hương về nguồn, đến với di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi không chỉ để tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử mà còn là dịp để thắp nén tâm hương bày tỏ sự tri ân, lòng biết ơn sâu sắc của mình đối với sự hi sinh cao cả của lớp lớp cha anh đi trước vì nền độc lập dân tộc hôm nay.

Theo Sonla.gov.vn

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập