Chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai
Nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai và đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, tổ chức thực thi đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp quản lý nhà nước về đất đai, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh Sơn La. Ngày 05/9/2018, UBND tỉnh ký Quyết định số 2169/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2018; cụ thể hóa từng nhiệm vụ và giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao tại Mục 1, Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2018 thành các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện tốt các nội dung quản lý nhà nước về đất đai phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, nhằm huy động tốt nhất nguồn lực to lớn từ đất đai để phát triển theo hướng bền vững, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh tại địa phương; tập trung tối đa nguồn lực và kinh phí thực hiện để chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai đồng bộ, thống nhất, hiện đại; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức và nhân dân về vai trò của công tác quản lý nhà nước về đất đai; đưa công tác quản lý Nhà nước về đất đai đi vào nền nếp đúng pháp luật, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên đất đai hợp lý, hiệu quả; hạn chế vi phạm pháp luật về đất đai, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện sau:

Thứ nhất là rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai ở các cấp, các ngành, trên cơ sở đó có kế hoạch, biện pháp cụ thể để chấn chỉnh, xử lý, khắc phục kịp thời những tồn tại, bất cập, hạn chế trong việc thực hiện từng nội dung nhiệm vụ quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh (Rà soát xây dựng và ban hành các quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Rà soát các công trình, dự án đã có quyết định thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Chấn chỉnh và xử lý trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Tổ chức rà soát các tổ chức kinh tế đã được nhà nước giao đất, theo quy định của pháp luật đất đai thuộc đối tượng phải chuyển sang thuê đất, các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để chuyển sang thuê đất ngay theo đúng quy định của pháp luật; Rà soát xác định rõ trách nhiệm cơ quan định giá đất và quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất hàng năm; Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính về đất đai để bảo đảm tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện; bãi bỏ, điều chỉnh các nội dung công việc và các loại giấy tờ không đúng quy định, không đúng thẩm quyền, kéo dài thời gian thực hiện, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch về đất đai; Rà soát, thống kê các trường hợp còn tồn đọng chưa đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các hồ sơ đã tiếp nhận nhưng chậm giải quyết; các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ký còn chưa trao cho người được cấp; làm rõ nguyên nhân và có kế hoạch, biện pháp cụ thể để hoàn thành giải quyết dứt ðiểm các trường hợp còn tồn đọng);

Thứ hai là xử lý nghiêm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Thứ ba là tăng cường đẩy mạnh công tác điều tra, khoanh định các khu vực có khả năng sạt lở đất cao, nguy cơ đe dọa tính mạng con người, chủ động bố trí quỹ đất và có kế hoạch cụ thể để di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Thứ tư là kiểm tra, rà soát, đánh giá lại tình hình quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những trường hợp cho thuê, cho mượn trái phép, sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, không lập hồ sơ cho thuê đất công ích hoặc hồ sơ không đầy đủ, rõ ràng, không thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.

Thứ năm là tập trung hoàn thành việc rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc lập bản đồ địa chính, giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với các công ty nông, lâm nghiệp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/4/2016 về thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội.

Thứ sáu là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư, khiếu nại và tranh chấp, khiếu kiện về đất đai.

Thứ bảy là xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai.

Thứ tám là kiện toàn, tăng cường năng lực cho hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai và Trung tâm phát triển quỹ đất.

Thứ chín là bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai.

Chi tiết văn bản xem tại đây: Quyet dinh so 2169/QD-UBND.pdf

Tú Quyên (CTV)

( Sonla.gov.vn)

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập