Một số giải pháp trong phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng
Triển khai thực hiện “Chiến dịch tuyên truyền, đấu tranh phòng chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng” trên địa bàn huyện, Ngày 26/9/2024, UBND huyện ban hành Công văn số 3606/UBND-CAH về thực hiện một số giải pháp cụ thể trong phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng, trong đó đã đưa ra một số thủ đoạn thường gặp nhằm tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn huyện, cụ thể:

    Trong thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước nói chung và huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La nói riêng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống nhân dân. Nổi lên là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp, có xu hướng phát triển mạnh, tăng về cả số lượng, mức độ nguy hiểm và hậu quả thiệt hại với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt bằng việc sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội (facebook, zalo…), mạo danh người thân, bạn bè, mượn tiền giải quyết việc gấp; giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, nhân viên ngân hàng thông báo trúng thưởng, gửi tin nhắn rác, trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng; kêu gọi đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo, thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng; sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền; Quá trình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, điều tra xử lý của cơ quan chức năng. Các thủ đoạn thường gặp là:

    1. Đối tượng chiếm quyền điều khiển các tài khoản mạng xã hội như zalo, facebook... bắt chước thói quen nhắn tin, xưng hô mạo danh người thân của bị hại nhờ thanh toán chuyển khoản hoặc gửi tiền giải quyết việc gấp vào các tài khoản ngân hàng trung gian.

    2. Đối tượng mạo danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát đe dọa bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm, sau đó kết bạn zalo gửi lệnh bắt bị hại đồng thời yêu cầu bị hại kê khai và chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra; sau 01 ngày nếu không có liên quan đến tội phạm sẽ trả lại tiền cho bị hại còn nếu bị hại không đồng ý thì tất cả các tài khoản ngân hàng của bị hại sẽ bị phong tỏa. Khi nhận được tiền trong tài khoản bọn chúng nhanh chóng rút tiền, xóa hết các dấu vết.

    3. Đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo tài khoản của khách hàng bị lỗi xâm nhập, lỗi bảo mật hoặc khách hàng nhận được một khoản tiền nhưng lỗi giao dịch.... sau đó yêu cầu bị hại cung cấp tài khoản, mật khẩu đăng nhập, mã OTP để sữa lỗi hệ thống và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

    4. Đối tượng gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng theo chương trình của Ngân hàng, của các công ty hoặc giao dịch mua bán, tặng quà qua mạng hoặc thực hiện cuộc gọi giả mạo cán bộ ngân hàng và yêu cầu khách hàng đăng nhập theo đường link giả mạo tương tự giao diện dịch vụ ngân hàng điện tử của ngân hàng. Sau đó yêu cầu cung cấp các thông tin bảo mật như tên, mật khẩu đăng nhập, mã OTP, thông tin thẻ… để chiếm đoạt tiền.

    5. Đối tượng mạo danh nhân viên nhà mạng, gọi điện thoại giới thiệu đang có chương trình “hỗ trợ chuyển đổi sim từ 3G lên 4G”, hoặc đổi sim để nhận ưu đãi và hối thúc nạn nhân nâng cấp lên sim 4G nếu không sẽ không thể sử dụng. Đối tượng sẽ hướng dẫn chủ sim số điện thoại soạn tin theo cú pháp. Sau khi thực hiện thao tác soạn và gửi tin nhắn, ngay lập tức sim số điện thoại đã bị đánh cắp. Sau khi chiếm quyền kiểm soát sim của người dùng, kẻ gian dùng chính sim đó lấy mã OTP từ ngân hàng gửi về sử dụng các dịch vụ tín dụng, vay tiền online… dưới danh nghĩa nạn nhân.

    6. Đối tượng mạo danh CSGT gọi điện gửi thông báo phạt nguội giao thông: Các đối tượng lợi dụng việc phạt nguội là người vi phạm giao thông không bị xử lý ngay, chúng tạo dựng thông tin giả mạo gửi tới các chủ phương tiện nhằm mục đích lừa đảo chủ phương tiện đóng tiền phạt bằng cách chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng.

    7. Đối tượng lập ra các trang web bán hàng online và sử dụng tài khoản Facebook ảo để đăng tin tuyển dụng và chạy quảng cáo khắp Facebook với nội dung như “Tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Shoppe, Lazada, Tiki…”. Sau khi được nhận là cộng tác viên mua bán hàng, đối tượng lừa đảo sẽ gửi cho nạn nhận một đường link sản phẩm thật trên Sendo, Shoppe, Lazada… và yêu cầu tạo đơn hàng và thanh toán. Sau khi nạn nhân thanh toán đơn hàng thành công, “hệ thống” sẽ tự động hoàn lại tiền mua hàng cộng thêm một khoản tiền hoa hồng dao động từ 10 - 20%. Việc hoàn tiền chỉ diễn ra nhanh chóng với những đơn hàng giá trị nhỏ đầu tiên để tạo lòng tin. Sau khi khơi dậy được lòng tham của nạn nhân, ở những lần tiếp theo, khi nạn nhân đã chốt nhiều đơn hàng với số tiền lớn thì các đối tượng lừa đảo sẽ đưa ra nhiều lý do khác nhau để không hoàn tiền và thanh toán hoa hồng như: Cú pháp soạn tin bị sai, hệ thống bị lỗi… Lúc này, nếu muốn nhận lại tiền, phía bên kia sẽ yêu cầu nạn nhân phải chuyển khoản thêm tiền cho đơn hàng để lấy lại số tiền trước đó, nếu không sẽ bị mất toàn bộ. Với tâm lý muốn lấy lại tiền, nhiều người đã tin theo và liên tục chuyển khoản cho bên lừa đảo. Sau khi nạn nhân hết tiền để chuyển khoản hoặc phát hiện bị lừa, các đối tượng sẽ chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân qua điện thoại, Facebook.

           Thời gian gần đây một số đối tượng mạo danh nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, bác sĩ tại bệnh viện còn lợi dụng mạng viễn thông thông tin về việc con nhập viện cấp cứu cần phải phẫu thuật, truyền máu và yêu cầu gia đình chuyển tiền vào tài khoản nào đó để đóng viện phí. Một số phụ huynh học sinh khi nghe con bị tai nạn hay nhập viện cấp cứu đã chuyển tiền cho các đối tượng. Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn yêu cầu Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn nắm các nội dung sau: 

    1. Đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân, lai lịch của người đó.

    2. Người dân khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính của người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Không nên chuyển tiền cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ của người bán.

    3. Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Thường xuyên thay đổi và đảm bảo độ mạnh của mật khẩu. Không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng xã hội.

    4. Thận trọng khi nhận các thư điện tử, kiểm tra kỹ địa chỉ thư điện tử nhận được xem có đúng là thư của người mình quen biết gửi đến hay không, không nhấp vào liên kết hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử đến từ người gửi không xác định. Chỉ mở thư điện tử hoặc tải xuống ứng dụng, phần mềm đáng tin cậy.

    5. Không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho đối tượng không quen biết. Thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền.Đồng thời có biện pháp bảo vệ các tài khoản ngân hàng, tài khoản cá nhân để tránh bị các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt. Tuyệt đối cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn facebook, zalo..yêu cầu chuyển tiền. Cảnh giác với các tất cả các cuộc gọi, tin nhắn thông báo trúng thưởng hoặc có liên quan đến giao dịch ngân hàng.Cảnh giác với các cuộc điện thoại thông báo nợ cước điện thoại vào các thuê bao cố định (điện thoại bàn). Đó có thể là phương thức thủ đoạn lừa đảo của băng nhóm lừa đảo quốc tế, hoạt động xuyên quốc gia, điều hành, chỉ đạo từ nước ngoài.

    6. Tuyệt đối không cung cấp số điện thoại cá nhân, thông tin về nhân thân, lai lịch cá nhân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì.

    7. Tuyệt đối không được mua bán, cho mượn giấy chứng minh nhân dân, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp, phát hoặc chuyển, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ họ là ai.

    8. Không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bản thân trên mạng xã hội Facebook, để các đối tượng lợi dụng những thông tin này để đưa ra những chiêu trò nhằm chiếm được tình cảm của phụ nữ (nhất là những phụ nữ nhẹ dạ cả tin có hoàn cảnh éo le, sống độc thân...). Không kết bạn với người lạ, đặc biệt là người nước ngoài khi họ đưa ra những lời hứa về lợi ích vật chất.

    9. Nếu nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức nào tham gia hoạt động lừa đảo, số tài khoản nào được yêu cầu chuyển nộp tiền không lý do chính đáng như trên, hoặc nếu đã bàn giao tài khoản của mình cho người khác sử dụng, yêu cầu người dân phải báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất hoặc liên hệ trực tiếp với Công an huyện để kịp thời có biện pháp giải quyết.

                                                                                                                    

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập