Mai Sơn điểm sáng kinh tế nông nghiệp
Lựa chọn những cách làm năng động, sáng tạo và cụ thể, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo nhân rộng các mô hình nông nghiệp giá trị kinh tế cao nhằm phát huy tối đa hiệu quả giá trị sử dụng đất trên một diện tích canh tác. Nhiều mô hình luân canh tổng hợp, tăng vụ mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân. Nhờ đó, kinh tế nông nghiệp của huyện đã chiếm vai trò chủ đạo, làm nền tảng vững chắc phát triển các lĩnh vực kinh tế khác.

Kinh tế nông nghiệp Mai Sơn

Với tiềm năng về điều kiện tự nhiên, đất đai, thổ nhưỡng thuận lợi, diện tích đất nông nghiệp chiếm 95,2% đất tự nhiên. Đây là những yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp và các mô hình kinh tế ở huyện Mai Sơn. Để đổi mới cách nghĩ cách làm của bà con nông dân, trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Huyện Mai Sơn đã xác định trước tiên phải phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là vai trò của người đứng đầu trong việc gương mẫu đi đầu các phong trào, tích cực phát triển kinh tế hộ gia đình bằng các mô hình chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng, thâm canh tăng vụ để bà con nông dân làm theo khi thấy có hiệu quả.

Năm 2016, huyện Mai Sơn tiếp tục tận dụng, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội. Giá trị SX nông lâm nghiệp là 29,8%; công nghiệp, xây dựng, dịch vụ là 70,2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 29,2 triệu đồng/năm. Những con số đó đã minh chứng cho sự chuyển dich cơ cấu kinh tế của Huyện ngày càng hợp lý và toàn diện, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. 

Mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Mường Bon (Mai Sơn)

Để tạo ra bước “đột phá” trong sản xuất nông nghiệp, huyện Mai Sơn đẩy mạnh chương trình chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, theo các mô hình chuyên canh, luân canh. Hiện tại, tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện duy trì 177.000 con, gia cầm 779.000 con.

Có được kết quả nổi bật trong chăn nuôi là do huyện xây dựng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về mặt bằng, nguồn vốn… đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ biến phương thức chăn nuôi mới, công nghiệp và bán công nghiệp, khuyến khích xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Với nguồn giống chất lượng cao, thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng, kết hợp với phòng, chống dịch bệnh, huyện đang tiến tới xây dựng thương hiệu thịt lợn sạch, khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường.

Cùng với chăn nuôi gia súc, gia cầm, một mũi nhọn khác của huyện Mai Sơn là nuôi trồng thủy sản. Với diện tích mặt nước là 322 ha, huyện Mai Sơn đã tập trung xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản quy mô thích hợp với năng lực phát triển kinh tế hộ. Các phần diện tích thả cá đang phát triển khá tốt, đem lại hiệu quả rõ rệt, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt năm 2016 đạt 521 tấn, trong đó thuỷ sản nuôi trồng là 491 tấn, sản lượng đánh bắt là 30 tấn.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng tại xã Chiềng Ban (Mai Sơn)

Nói đến sản xuất nông nghiệp của huyện Mai Sơn thì không thể không nhắc tới mảng trồng trọt. Nhờ khai thác hợp lý, luân canh tăng vụ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất, tăng vòng quay sử dụng đất mà năng suất và sản lượng các loại cây lương thực trong những năm gần đây không ngừng tăng. Đặc biệt, huyện đã hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật gieo trồng lúa hàng hóa chất lượng cao, giống lúa lai của Trung Quốc và Việt Nam... với nhiều hộ dân tham gia và cơ bản xóa bỏ những giống lúa dễ bị nhiễm sâu bệnh, kém năng suất. Không chỉ có vậy, huyện còn mạnh dạn đưa vào triển khai trên diện rộng kỹ thuật gieo thẳng lúa theo hàng bằng công cụ và mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI. Tuy mới áp dụng, nhưng hiệu quả của hai phương pháp này đã chứng minh được tính ưu việt. Không chỉ tăng thu nhập, hạ giá thành sản xuất, còn góp phần giải phóng sức lao động, giúp nông dân bớt nỗi vất vả. Nhờ đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất lúa của nông dân huyện trong năm đã được nâng lên.

Ngoài hai cây lương thực chính là lúa và ngô, huyện còn chỉ đạo nông dân khai thác các đất quỹ đất phát triển các mô hình trồng rau củ quả an toàn theo quy trình VietGap như nhãn, thanh long ruột đỏ, na, xoài Úc, Đài Loan, táo…Với gần 1.500ha cây ăn quả, năm 2016 huyện Mai Sơn đạt sản lượng trên 2.400 tấn quả.

Mô hình phát triển trồng cây có múi

Xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là thế mạnh của địa phương thời gian tới huyện Mai Sơn sẽ tập trung chỉ đạo và nhân rộng, thực hiện có hiệu quả các mô hình kinh tế có hiệu quả… thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm hỗ trợ cây con, giống, vật tư, máy móc để sản xuất nông nghiệp.

Xác định rõ hướng phát triển của kinh tế - xã hội đến năm 2020, huyện Mai Sơn sẽ tiếp tục đổi mới, phát huy mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước đưa quê hương Mai Sơn anh hùng trở thành điểm sáng kinh tế của tỉnh Sơn La, góp phần thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH đất nước./.

                                                                                         Ngọc Bích – Trọng Đại (Đài TT- TH Mai Sơn)

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập